Lương tâm nghề nghiệp
Có một người đàn ông tới ghé thăm một ngôi chùa đang được xây dựng ở Ấn Độ. Tại đó, ông ta thấy một người thợ đang tạc một bức tượng Phật.
Đang chăm chú nhìn, người đàn ông bỗng phát hiện ra rằng, cạnh đó có một bức tượng Phật trông cũng giống hệt như vậy. Thấy hiếu kỳ, ông ta mới hỏi người thợ rằng tại sao lại cần phải làm 2 bức tượng giống nhau y đúc như thế để làm gì.
Vị khách tò mò không hiểu sao người thợ phải làm 2 bức tượng giống nhau y hệt để làm gì. (Ảnh minh họa)
Người thợ đang bận rộn với công việc, chẳng buồn ngước nhìn lên, chỉ nhẹ nhàng trả lời vị khách, rằng bức tượng kia đã gần hoàn thành thì xuất hiện lỗi ở giai đoạn cuối cùng nên họ mới phải làm lại.
Người đàn ông thấy vậy, liền đi tới chỗ bức tượng bị lỗi kia, chăm chú xem xét, nhưng vẫn không tìm ra lỗi ở chỗ nào. Cuối cùng, ông ta không nén nổi tò mò, lại đi ra gần chỗ người thợ rồi hỏi: "Lỗi ở chỗ nào vậy, sao tôi không thấy nhỉ?".
Người thợ vẫn chăm chú với công việc của mình, không ngẩng đầu lên mà chỉ đáp: "Có một vết xước nhỏ ở dưới mũi của bức tượng".
Người đàn ông hỏi tiếp: "Vậy sau khi hoàn thành, các anh sẽ đặt bức tượng ở đâu?".
"Chúng tôi sẽ đặt nó ở trên đỉnh một cái cột cao 6m", người thợ trả lời.
Nghe thấy vậy, vị khách không khỏi kinh ngạc thốt lên: "Ở độ cao ấy thì ai có thể nhìn thấy một vết xước nhỏ ở bên dưới mũi của bức tượng Phật chứ?".
Đến lúc này, người thợ mới tạm dừng công việc, nhìn lên vị khách, vừa mỉm cười vừa nói: "Tôi".
Câu chuyện cho thấy: Lương tâm nói chung, hay lương tâm nghề nghiệp nói riêng, chính là những thứ phải xuất phát từ bên trong chúng ta, từ chính cái TÂM của mỗi con người, chứ không liên quan gì đến việc người khác có biết, có nhận ra hay không.
Người làm việc mà chỉ muốn trưng ra cho người khác thấy, ắt chưa phải là hay, cũng khó làm nên việc lớn.
Nếu chúng ta làm hết sức mình, thì chưa cần ai biết, tự ta biết và hài lòng là đủ. Nếu chúng ta chỉ làm cho qua loa, dù người khác chưa phát hiện ra lỗi, song chính bản thân chúng ta sẽ không bao giờ thực sự cảm thấy thanh thản.