Không bên nào chịu nhường bên nào thì kết quả luôn là cả hai cùng thất bại, cùng sứt đầu mẻ trán, tổn thương hòa khí, tổn hại tình cảm… quả thật không đáng.
Học được chữ “Nhẫn” trong những tình huống này, giúp chúng ta rèn luyện một nội tâm mạnh mẽ, không dễ bị lay động, đứng vững vàng trước những “con sóng của cuộc đời”.
Đầu tiên là “nhẫn” khi gặp thất bại
Trên đường đời, chắc chắn có lúc chúng ta gặp phải điều khó khăn hay không ưng ý, thậm chí là rất thường xuyên. Điều quan trọng là khi gặp phải những sự việc như vậy, bạn dùng loại tâm thái nào để đối đãi?
Rất nhiều người không chịu nổi khi gặp phải thất bại. Họ thấy dường như sau này có cố gắng hơn nữa cũng vậy thôi. Hoặc khi bị chỉ trích hay đả kích, tâm trạng họ rối bời, họ đào sâu vào những khuyết điểm của bản thân và cố gắng khiến người khác hài lòng, nhưng kết quả có khi lại tệ hơn.
Winston Churchill, cựu thủ tướng Anh từng nói “Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết” (Success is the ability to go from failure to failure without losing your enthusiasm). Có thể thấy rằng khả năng học học từ thất bại, kiên trì không nản chí trước thất bại sẽ đặt nền tảng cho thành công trong tương lai, mà dù cho không thật sự đạt được thành công về danh lợi thì người ấy cũng đã chiến thắng chính mình.
Tuy nhiên rất khó để không cảm thấy tiêu cực khi gặp thất bại, một lời khuyên cho bạn là hãy nỗ lực thật nhiều và đừng mong chờ quá nhiều. Nếu bạn thành công bạn có thể đạt được điều mình muốn, nếu không, đó cũng sẽ là bài học kinh nghiệm quý giá.
Điều thứ hai, đừng chế giễu người khác vì đã thể hiện
Rất nhiều người đều muốn bản thân có điều gì đó để “khoe” với người khác: Cha mẹ muốn tự hào về những đứa con học giỏi, trẻ nhỏ thì thích được khen là thông minh, những cô gái mong muốn bản thân xinh đẹp… Tâm lý này có thể gọi là “sự phù phiếm” nhưng điều này không hoàn toàn xấu. Ngược lại, nó cũng là một loại động lực để người ta vươn tới những mục tiêu của bản thân.
Nếu bạn gặp một người thích khoe khoang thể hiện, bạn nên làm thế nào? Lúc này bạn không nên mỉa mai, công kích họ. Chúng ta phải hiểu nguyên tắc nghiêm khắc với bản thân và khoan dung với người khác. Ngay cả khi bạn không thể bao dung họ, bạn cũng cần giữ miệng, không nên tùy tiện nói lời đả kích, chê bai.
Bạn không thích người khác khoe khoang và ngược lại, người khoe khoang cũng sẽ không thích khi phải nghe lời chê bai. Bởi vậy nhẫn một chút, mâu thuẫn sẽ ít đi. Bản thân biết điều gì đúng là được rồi, không cần phải luôn miệng tranh cãi giành phần thắng với người khác.
Điều thứ ba là “Nhẫn” được cơn tức giận
Người xưa nói “Giận quá mất khôn”, khi cơn tức giận nổi lên, nếu không thể kìm nén cảm xúc thì rất có thể sẽ đưa ra hành động, quyết định sai lầm…
Nếu tức giận được xem như bản năng thì khả năng kiềm chế cơn giận, hay “Nhẫn” được nó chính là bản lĩnh của một người; chỉ người có tu dưỡng, có thể khống chế vững chắc bản thân mới có thể làm được.
Có thể nhẫn, có thể khoan dung, nói ra thật đơn giản nhưng trong đời sống hiện thực thì có bao nhiêu người có thể thực hiện được như vậy?
Khi người khác phạm lỗi vô ý thì nói một câu: “Không sao”. Khi người khác đụng chạm đến lợi ích thì nói một câu: “Tôi không để ý”. Khi quan điểm của người khác bất đồng thì nói một câu: “Việc này cũng không có gì”. Những câu này có lẽ ai ai cũng nói được, nhưng có bao nhiêu người có thể thật sự làm được vậy, có thể thật sự “không để ý”.
Tuy nhiên có thể Nhẫn được cơn tức giận trên bề mặt là bạn đang bắt đầu học được chữ Nhẫn. Dần dần bồi dưỡng nó thành thói quen, có thể đạt đến “thản nhiên bất động” mới có cái Nhẫn thực sự, không tức giận từ trong tâm.
Nhẫn là phẩm chất đáng quý nhờ tu dưỡng mà thành. Trong văn hóa truyền thống cả Nho gia, Phật gia và Đạo gia đều coi trọng chữ Nhẫn. Hiểu được tầm quan trọng của chữ Nhẫn chính là chìa khóa mở cánh cửa trí tuệ. Người có thể Nhẫn vững chắc sẽ tiến về phía trước mà không lo lắng, không sợ hãi, bình tĩnh đối mặt hết thảy, như một câu nói xưa, “Nhẫn một lúc sóng yên biển lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”, có nhẫn nại thì mới có thành tựu.