Tìm kiếm việc làm
Từ khóa
Lĩnh vực
Khu vực
Trình độ
Tìm kiếm
Thành viên đăng nhập
Thống kê website

Đang trực tuyến

3

Lượt truy cập

930161

​HƯỚNG DẪN THIỀN
» Kiến thức về sức khỏe
Đăng lúc 16:55 08/08/2020 bởi Super Administrator
 

Hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người và đêm
HƯỚNG DẪN THIỀN (TT. THÍCH CHÂN QUANG)

Mục tiêu tối thượng của thiền định trong đạo Phật là đạt đến Vô Ngã, giải thoát Niết Bàn. Đức Phật thành đạo quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác cũng bằng pháp môn Thiền Định.
Thiền là phương pháp thực hành nhiếp tâm vào định, đưa tâm trí đến chỗ an tĩnh, sáng suốt, không xuất hiện ý nghĩ, không dấy động tình cảm…, đặc biệt là giúp hành giả diệt trừ Bản Ngã, chấm dứt vô minh và chứng đạo giải thoát giác ngộ.
Bắt đầu cho sự thiền định và để đạt kết quả tốt trong công phu tu tập, trước hết, chúng ta phải chuẩn bị ba nền tảng căn bản vững chắc. Đó là Đạo Đức, Công Đức, Khí Công.
Đạo Đức là sự thánh thiện trong sách trong tâm hồn, với lòng tôn kính Phật, thương yêu chúng sinh, và khiêm hạ tột cùng.
Công Đức là công lao đem an vui, hạnh phúc, đạo lý đến cho mọi người.
Khí công là để giữ tiềm lực luôn lắng xuống dưới, giúp cho não bộ ổn định trong sự tu tập.
Kỹ Thuật căn bản

Chuẩn bị

Trước khi tọa thiền hành giải cần chuẩn bị:
Trải một tấm tọa cụ trên mặt phẳng. Kích thước tọa cụ phải rộng hơn diện tích ngồi. Tọa cụ có thể làm bằng vải dày, bằng chiếu lát, hoặc bằng một miếng đệm mỏng để ngăn cho hơi ẩm dưới đất thấm lên trên và để giúp bớt cấn da thịt.
Đừng mặc quần áo chật chội, bó chặt. Nhưng cũng không nên mặc quần áo thiếu trang nghiêm. Nếu ngồi trong Chánh điện hoặc nơi trang nghiêm thì nên mặc áo tràng.
Ánh sáng vừa phải đừng sáng quá cũng đừng tối đen. Tránh chỗ gió thổi đến từ sau lưng. Nơi yên tĩnh vẫn là chỗ thích hợp nhất cho việc tọa thiền.
Sắp xếp thời gian đều đặn mỗi ngày để tọa thiền thì tốt h. Còn không thì tùy những lúc thuận tiện mà ngồi. Không nên ngồi những lúc bụng còn no. Nếu bắt đầu ngồi thì nên ngồi khoảng 30 phút.
Không nên bày tỏ khoe khoang cho người khác biết là mình có tu tập thiền định vì có thể làm công phu bị lui sụt. Nên ngồi chỗ không ai trông thấy, trừ khi ngồi chung tập thể.
Phương pháp

Hành giải theo thứ tự thực hành công phu tu tập thiền định như sau:
BẮT ĐẦU:

LỄ PHẬT

Phải lễ phật ba lễ với lòng tôn kính tuyệt đối
NGỒI KIẾT GIÀ

Bắt chân trái đặt lên đùi chân phải, sau đó kéo chân phải vắt lên đùi chân trái. Hai bàn chân nằm vắt lên đùi ở một vị trí vừa phải, không quá sát hông, cũng không quá xa hông.
KỆ VÀO THIỀN

Khi đã ngồi đúng tư thế nghiêm trang. Hành giả chắp tay đọc bài kệ vào thiền (nếu ngồi một mình thì niệm thầm, nếu ngồi tập thể thì niệm lớn chung với đại chúng).
“Xin Phật độ cho con
Luôn nhớ và hiểu rằng
Thân chẳng phải là ta
Tâm chẳng phải là ta
Chẳng có gì là ta
Trong từng hơi thở vào
Trong từng hơi thở ra
Trọn niềm Tôn Kính Phật”
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)
TÁC Ý BA TÂM HẠNH

(Sau khi đọc bài kệ vào thiền và niệm Phật xong, vẫn chắp tay tiếp tục tác ý thầm ba tâm hạnh)
· Nguyện trên Chư Phật gia hộ cho con biết tôn kính Chư Phật, Chư Tổ, Chư Hiền Thánh Tăng với lòng tôn kính tuyệt đối vô lượng, vô biên.
· Nguyện trên Chư Phật gia hộ cho con biết trải lòng thương yêu khắp tất cả chúng sinh, dù là thế giới hữu hình hay thế giới vô hình. Cho con thương yêu loài người, cũng như cỏ cây, chim thú trong rừng, cá trong nước, cho đến chúng sanh trong địa ngục.
· Nguyện trên Chư Phật gia hộ cho con biết giữ lòng khiêm hạ, lúc nào cũng thấy mình như cỏ rác, cát bụi.
· (Nếu là người xuất gia, chúng ta tác ý thêm một tâm nguyện nữa):
Con nguyện lòng quyết tâm giữ được sự vô nhiễm trong sạch.
(Sau khi tác ý 3 tâm hạnh xong, hành giả bắt đầu thực hiện công phu điều thân).
Kể từ bước này trở đi, tùy thuộc vào trình độ tu tập mà độ dài ngắn cho thích hợp, nhưng đảm bảo là có đủ các bước.

CÁC GIAI ĐOẠN CHÍNH

ĐIỀU THÂN

Giai đoạn này thường kéo dài, càng điều thân kĩ chừng nào thì càng có thể tiến sâu trên con đường thiền định.
GIỮ ĐÚNG TƯ THẾ

· Hai bàn tay: để ngửa và đặt chồng lên nhau, nằm trên hai gót chân. Bàn tay trái để trên lòng bàn tay phải, đầu hai ngón cái chạm nhé vào nhau. Giữ bàn tay thẳng đẹp, đừng để bàn tay cong vòng.
· Mắt: mở rõ và nhìn xuống một điểm gần trước mặt. Giai ddaonj mới tập tu tuyệt đối không được nhắm mắt, vì phải mở mắt mới thấy thân mình có lắc động, có nghiêm hay không khi so sánh với cảnh vật chung quanh. Đến chừng nào thành tựu chánh niệm tỉnh giác, dù nhắm mắt mà vẫn không bị mê mờ thì mới nên nhắm mắt.
· Lưỡi: Để lên nướu răng hàm trên.
· Miệng: Ngậm kín tự nhiên.
· Lưng: giữ thẳng, không được để lưng cong chùng xuống, cũng đừng ưỡn lưng thẳng quá sức sẽ làm mau mệt và đầu bị căng (căng thần kinh não).
· Hai vai: để xuôi xuống tự nhiên, tránh nghiêng bên cao bên thấp.
· Hai cánh tay: Phải hơi khuỳnh ra xa hông. Nhớ giữ đừng để hai cánh tay buông xuôi ép sát vào hông.
· Đầu: không ngẩng lên, có vể hơi cúi xuống một chút xíu. Đừng để nghiêng qua một bên, hay quay qua một bên.
BIẾT TOÀN THÂN

Tâm luôn quay vào kiểm soát biết rõ toàn thân, biết từ đầu cho đến tay chân. Xem lưng có chùng xuống hay không; hai vai có bị lệch, đầu có bị nghiêng không; hai bàn tay có thẳng đẹp, hai cánh tay có bị ép sát hông không; mắt có nhìn chỗ khác, người có chồm về phía trước hay ngửa ra sau không. Luôn luôn tỉnh giác biết rõ toàn thân, buông lỏng toàn thân. Cơ thể mình bị sai lệch như thế nào thì phải biết rõ và điều chỉnh lại để luôn giữ đúng tư thế.
GIỮ THÂN MỀM MẠI BẤT ĐỘNG

Song song với việc biết rõ toàn thân, ta nhẹ nhàng buông lỏng toàn thân, giữ thân mềm mại bất động, không nhúc nhích, không gồng cứng.
Luôn kiểm tra xem có bộ phận nào bị gồng cứng hay nhúc nhích không, toàn thân có được mềm mại, bất động chưa.
Từng bắp thịt, ngón tay, ngón chân, bắp đùi, bắp vế bắp tay đều được giữ yên không cử động. Ta phải luôn kiểm soát toàn thân, vì sau khi ngồi yên một chút sẽ có những thớ thịt, ngón tay, vai, gáy, … tự nhiên gồng cứng lên, phải nhận ra và nhanh chóng thả lỏng lại.
Kiểm tra thường xuyên như thế chính là công phu điều thân.

Lưu ý:
· Khi biết rõ toàn thân, nên biết nhiều ở vùng bụng và vùng chân. Phải biết một cách nhẹ nhàng, không chú ý biết, cũng không được dằn ép. Vì khi có sự chú ý biết boặc dằn ép thì lực sẽ chạy lên đầu làm cho bộ não căng thẳng.
· Cũng không được biết một cách mờ mờ ảo ảo. Nếu không tỉnh giác biết rõ toàn thân thì vọng tưởng vẩn vơ khởi lên, ta sẽ không thấy nên dễ đưa vào hôn trầm.
· Khi vọng tưởng khởi lên, không cần diệt trừ vọng tưởng, chỉ cần quay trở lại biết rõ toàn thân, kiểm tra tất cả toàn bộ cơ thể là vọng tưởng sẽ tan.
· Nếu vọng tưởng khơi lên, ta quay trở lại biết rõ toàn thân mà vọng tưởng vẫn không tắt, thì biết đó là nghiệp, phải thầm tác ý sám hối. Khi tâm yên, ta tiếp tục kiểm soát biết rõ toàn thân.
QUÁN THÂN VÔ THƯỜNG, HƯ ẢO

Ngồi yên thoe dõi thân chừng vài phút, ta tự nhủ thầm “thân này là vô thường hư ảo”. Lâu lâu lại tự nhắc như vậy. Ta phải thấy sự biến đổi của thân từ trẻ đến già, từ già đến chết, từ chết đến tan hoại hoàn toàn. Đức Phật dạy, khi quán thân vô thường ta phải chiêm nghiệm vô thương thật kĩ cho đến nơi đến chốn, không được cạn cợt. Phải chiêm nghiệm thân này (không được quán thân người khác) một ngày nào đó sẽ tan hoại.
Sau khi chết khoảng ba ngày, thân này sẽ sình trương. Qua mười ngày bốc mùi hôi thối và đầy dòi bọ. Một tháng sau, các lớp thịt bên ngoài và các cơ quan nội tạng bị phân hủy. Công trùng, chim thú,… đến rút rỉa, hình dáng không còn nguyên vẹn nữa. Còn lại xương khớp thì từ từ cũng rời rạc ra vì do tác động của mưa nắng, không khí… những khớp xương cũng mục dần và tan thành tro bụi, gió thổi cuốn đi.
(Chúng ta phải thực hành quá thân vô thường kỹ lưỡng vài tháng trước khi thêm quán hơi thở).
QUÁN TÂM VÔ NGÃ, HƯ VỌNG

· Bước đầu tiên điều thân cho đúng tư thế, giữ thân mềm mại bất động và quán thân vô thường. Tùy nhân duyên mà có người tu 2, 3 tháng, nhưng có người phải nửa năm hay một năm mới thuần thục. Tiếp theo là phương pháp quán tâm hư vọng.
· Đến đây, người tu biết rằng mọi ý niệm vọng động của thiện ác đều là không thật hư ảo nên buông bỏ, tắt dừng và tâm sẽ yên tĩnh trong sáng.
· Người có công phu tu tập nhiều năm nhưng không quán tâm hư vọng vẫn dễ trở thành bướng bỉnh, chấp ý, bảo thủ mà không biết.
· Phải thận trọng với tà kiến phát sinh ở pháp quán này như có chủ trương cho rằng : “Thiện ác đều là vọng tâm cần buông bỏ, nên không làm ác và cũng không làm thiện.”
· Phật dạy :
o Dứt bỏ ‘bất thiện pháp’ tức là những tâm niệm ác độc, ích kỷ, đố kỵ, mưu toan.v.v...
o Siêng làm tất cả những điều thiện.
o Đồng thời với tu tập thanh lọc nội tâm.
· Hễ làm đúng yếu chỉ này thì khi vào định, tâm hành giả thanh tịnh yên lặng, nhưng bản chất luôn là thuần thiện chứ không phải trơ trơ không thiện không ác.
· Đến đây người tu rất trầm tĩnh, nhẹ nhàng thanh thản nhưng tràn đầy tình thương, bao dung độ lượng và trí tuệ cực kỳ sắc bén linh mẫn. Trạng thái này khác xa với người có ý niệm thiện thương người nhưng tâm còn lăng xăng vọng động, nên phiền não chấp công vẫn còn sinh khởi.
· Người bản tâm thanh tịnh thuần thiện cũng khác xa với người không làm thiện không làm ác. Ở người này bản chất ích kỷ, hẹp hòi thụ động, kiêu ngạo, lạnh lùng, vô trách nhiệm, khiến cho phước lực tiêu mòn, đạo tâm thoái thất bởi chấp vào tà kiến.
ĐIỀU HƠI THỞ

Sau khi điều thân thuần thục, quán thân vô thường nhuần nhuyễn, ta bắt đầu thực hiện pháp tu hơi thở.
Ta biết rõ hơi thở mà không hề can thiệp, không hề điều khiển.
· Bước 1:
o Hơi thở vào, ta biết rõ hơi thở vào.
o Hơi thở ra, ta biết rõ hơi thở ra.
· Bước 2:
o Hơi thở vào dài, ta biết rõ hơi thở vào dài.
o Hơi thở ra dài, ta biết rõ hơi thở ra dài.
o Hơi thở vào ngắn, ta biết rõ hơi thở vào ngắn.
o Hơi thở ra ngắn, ta biết rõ hơi thở ra ngắn.
Tức là hơi thở dài hay ngắn, ta đều biết rõ. Nhưng điều quan trọng ở đây là biết rõ mà không can thiệp vào, không điểu hơi thở dài hay ngắn theo ý mình. Chỉ đơn giản biết mà thôi. Có khi hơi thở dài, có khi hơi thở ngắn, có khi hơi thở nhẹ, có khi hơi thwor mạnh, nhưng ta chỉ biết chứ không được can thiệp.
Có hai cực đoan cần phải tránh về hơi thở
· Một là không biết rõ hơi thở
· Hai là biết mà can thiệp vào hơi thở
Trung đạo của pháp tu hơi thở chính là biết rõ một cách thụ động, không can thiệp, không điều khiển.
KẾT HỢP HƠI THỞ VỚI CÁC PHÉP QUÁN KHÁC.

Sau khi đã thuần thục quán hơi thở, thường là rất lâu, ta kết hợp hơi thở lần lượt với các phép quán như sau:
KẾT HỢP HƠI THỞ VỚI BIẾT RÕ TOÀN THÂN:

· Hơi thở vào, biết rõ toàn thân.
· Hơi thở ra, biết rõ toàn thân.
· Để tâm dưới bụng và biết hơi thở nhẹ nhàng cùng một lúc.
KẾT HỢP HƠI THỞ VỚI QUÁN THÂN VÔ THƯỜNG:

· Hơi thở vào, biết thân này là vô thường.
· Hơi thở ra, biết thân này là vô thường.
· Hơi thở vào, biết trong thân vô thường có hơi thở vào.
· Hơi thở ra, biết trong thân vô thường có hơi thở ra.
· Vừa để tâm dưới bụng vừa biết hơi thở nhẹ nhàng cùng một lúc. (Hơi thở này giúp chúng ta phá vỡ chấp thân dần dần.)
KẾT HỢP HƠI THỞ VỚI LỜI NGUYỆN:

· Hơi thở vào nguyện lòng thương yêu chúng sanh.
· Hơi thở ra nguyện lòng thương yêu chúng sanh.
· Cùng một lúc vừa để tâm dưới bụng vừa biết hơi thở nhẹ nhàng. (Hơi thở này có công năng diệt trừ vọng tưởng rất tốt những khi ta bị thất niệm. Phước của tâm từ bi giúp cho ta tỉnh giác hơn và thoát ra khỏi vọng tưởng.)
KẾT HỢP HƠI THỞ VỚI BIẾT TÂM NÀY LÀ PHIỀN ĐỘNG:

· Hơi thở vào, biết tâm còn phiền động.
· Hơi thở ra, biết tâm còn phiền động.
· Hơi thở này được áp dụng khi tâm đã được yên lắng, để ngăn chặn tâm niệm kiêu mạn tự hào bí mật phát sinh, vì lúc này ta hay tự âm thầm khen mình. Dù tâm có yên lắng nhưng phiền não, xao động, chấp trước vẫn còn, vọng tưởng, phiền não vẫn có thể bất ngờ xuất hiện. Vì vậy sự cảnh giác, không chủ quan là cần thiết là công đức.
Ghi chú: Mới ban đầu ta chỉ vừa thở vừa biết rõ toàn thân. Lâu ngày tự nhiên biết rõ thêm nội tâm dù không cố ý. Lúc đó, ta vừa biết hơi thở, vừa biết toàn thân, vừa biết nội tâm. Cùng một lúc biết cả ba điều mà vẫn nhẹ nhàng thoải mái.
KẾT HỢP HƠI THỞ VỚI KHÍ CÔNG TÂM PHÁP VÀ CỐ CĂN

Sau khi đã thuần thục hơi thở với các phép quán trên, thời gian là rất lâu. Tới giai đoạn này, về phía thân đã tạm ổn định, chúng ta cần đi sâu vào điều tâm để thanh lọc dần dần tâm hồn của mình. Nhưng khi điều tâm, chúng ta lại bị mất chân âm, do phải tập trung trên đầu để gạn lọc tâm. Do đó, nếu chúng ta không có đủ chân âm thật sâu rộng, vững vàng thì quá trình điều tâm của ta rất cạn cợt, dễ bệnh, không đi sâu vào thiền định được. Tới lúc này chúng ta mới thấy tác dụng to lớn của Khí công đối với công phu tu tập thiền định. Tuy nhiên, tới giai đoạn này thì ngoài khí công ra, ta phải bổ sung thêm nguồn chân âm bằng phương pháp cố căn. Lưu ý là tới gian đoạn này, chúng ta phải dành thêm thời gian để luyện tập phương pháp cố căn này ngoài thời gian ngồi thiền hằng ngày.
BƯỚC CHUẨN BỊ:

· Muốn dụng công thực hành khí công tâm pháp này, trước hết chúng ta phải có nền tảng thiền của Đạo Phật, bao gồm những công phu căn bản như ngồi đúng tư thế, giữ thân mềm mại bất động, biết rõ toàn thân, quán thân là vô thường, tâm là hư vọng, thở ra vào theo các bước như trên. Nền tảng này phải được củng cố vài năm cho vững chắc.
· Phải tu dưỡng đạo đức với những tâm lý căn bản như tôn kính Phật, từ bi thương yêu chúng sinh, khiêm hạ để tôn trọng mọi người…
· Siêng năng gây tạo nhiều công đức bằng cách giúp đỡ mọi người trong cuộc sống.
CÁCH DỤNG CÔNG:

· Chúng ta cũng bắt đầu giống như nghi thức vào thiền, tác ý khởi ba tâm hạnh căn bản, dụng công theo thiền khoảng 10 phút rồi mới bắt đầu tư thế này.
· Bàn tay phải để dưới bàn tay trái như thường lệ, nhưng đan chen một ngón trỏ với nhau để giữ hai bàn tay cho chặt.
· Hai đầu ngón út chạm vào nhau và chỉa vào huyệt đan điền. Chỉ chạm nhẹ, vừa đủ, không đẩy vào sâu, không rời xa khỏi da.
· Khi thở vào biết rõ toàn thân an trú tâm nhẹ nhàng một điểm nhỏ ở huyệt đan điền, rồi nín thở đóng van mũi hoàn toàn (giống như lúc lặng xuống nước) sau đó nhíu mạnh cơ hậu môn (cố căn). Nơi đây có huyệt Hội âm nơi âm nhất trên cơ thể. Khi thở ra để tâm an trú ở huyệt long vĩ quan (ba đốt xương sống cuối cùng).
KẾT QUẢ

Dấu hiệu để biết ta tu đúng là nguyên vùng đáy của bụng dưới ấm dần lên, tâm rỗng nhẹ, dễ kiểm soát vọng tưởng, đi vào an định dần dần. Trong đời sống thì ta có sức khỏe hơn, trí óc minh mẫn hơn. Còn nhiều kết quả lý thú mà mỗi người chúng ta sẽ cảm nhận khi dụng công tập luyện.
Lưu ý:
· Khi hít vào để cho hơi thở tự nhiên không can thiệp, tâm nhẹ nhàng an trú tại một điểm nhỏ ở đan điền (nơi hai đầu ngón tay út chạm nhau).
· Điều cực kỳ hệ trọng là ta chỉ an trú ngoài da chứ không được để tâm sâu vào một ly nào bên trong da thịt.
· Mỗi lần nín thở, ta cố căn một lần, hai lần, hoặc ba lần tùy theo khả năng mỗi người. Hễ thấy căng đầu là phải dừng, không được tiếp tục cố gắng.
· Khi hơi thở đi ra, nhớ là để cho hơi thở tự nhiên, không can thiệp điều khiển. Lúc này tâm an trú tại long vĩ quan và chỉ ở ngoài da, không được để sâu vào đốt sống.
· Không cố ý dẫn, kéo, đẩy hơi thở đi. Chỉ nhẹ nhàng tuần tự an trú tâm theo ba điểm: đan điền, cố căn hậu môn và long vĩ quan.
· Cực kỳ quan trọng là phương pháp này có đụng đến huyệt Hội âm, nơi nằm giữa cơ quan sinh dục và hậu môn. Khi tưởng tưởng hơi thở đi qua những điểm này, làm ta rất dễ giấy khởi lên tâm niệm động dục. Cho nên, khi đã tu đến mức độ này rồi, người tu phải cố gắng tuyệt dục, lấy mục tiêu vô ngã, giải thoát, độ hóa chúng sinh làm đầu.
ĐIỀU TÂM

Sau khi người tu tập đã tích đủ nội lực, chân âm cần thiết để cho quá trình tu tập sau này, thời gian này thường rất lâu. Tùy thuộc vào công đức, đạo đức và khí công của mình mà thành tựu được mức độ này. Tiếp theo, hành giả bước vào giai đoạn điều tâm.
BIẾT RÕ CẢM GIÁC HỶ THỌ:

· Khi điều thân thuần thục vọng tưởng lắng yên nhẹ nhàng, cảm giác hỷ thọ sẽ xuất hiện. Cảm giác này làm cho người tu hân hoan thích thú, đây là dấu hiệu của kết quả tốt nhưng không được cố chấp, bởi vì ý niệm này sẽ trở thành sự tự hào bí mật.
· Phật dạy chúng ta chỉ biết rõ chứ không được hưởng thụ, đắm luyến và đi tìm lại cảm giác này.
· Khi cảm giác hỷ thọ xuất hiện chúng ta chỉ biết rõ chứ không chấp nhận.
BIẾT RÕ CẢM GIÁC LẠC THỌ:

· Kết quả xuất hiện sau cảm giác hỷ thọ là cảm giác lạc thọ. Trạng thái này vi tế hơn, làm tâm ta vui sướng, êm ả nên bỏ quên việc theo dõi hơi thở và Bản Ngã âm thầm phát triển.
· Phật dạy chúng ta luôn biết rõ hơi thở mặc dù cảm giác vui sướng nhẹ nhàng xuất hiện tràn ngập trong tâm.
Ý MUỐN BUÔNG BỎ VỌNG TƯỞNG:

· Phải có ý muốn buông bỏ vọng tưởng một cách dứt khoát. Có ba giai đoạn cần biết:
o Vọng tưởng khởi lên hành giả không biết nên bị chìm theo.
o Biết vọng tưởng đang khởi nhưng không muốn vọng tưởng chấm dứt.
o Biết vọng tưởng khởi lên và muốn cho vọng tưởng tắt nên dừng lại được.
CẢM GIÁC VỀ TÂM:

· Tu tập đến mức độ vọng tưởng và tình cảm vắng bóng, tâm sẽ đạt đến trạng thái thanh tịnh, sáng suốt, an lạc phủ trùm mênh mông.
· Đến lúc này vẫn biết rõ hơi thở (mặc dù hơi thở hết sức vi tế) vì Bản Ngã vẫn còn tồn tại, dấu mặt rất kín đáo.
Đến đây, thì hành giả tiếp tục giai đoạn điều tâm này, cho đến khi chứng được chánh niệm tỉnh giác. Thời gian là rất lâu. Đa số, mọi người tu tập cần phải hết một đời mới đạt được chánh niệm tỉnh giác này. Nên hành giả đừng nản chí, cứ vững chắc trên con đường tu tập của mình.
KẾT THÚC

HỒI HƯỚNG

Trước khi xả thiền đọc bài kệ xả thiền và đọc bài hồi hướng (nếu ngồi một mình thì niệm thầm, nếu ngồi tập thể thì niệm lớn chung với đại chúng).
Kệ xả thiền
Tam bảo gia hộ cho con
Lúc thức cũng như lúc ngủ
Ban ngày cũng như ban đêm
Luôn nhớ thân này vô thường.

Khi đi hoặc là khi đứng
Khi ngồi hoặc là khi nằm
Lúc làm việc hay nghỉ ngơi
Luôn nhớ thân này vô thường.

Khi nghe cũng như khi nói
Đông người hay ở một mình
Xem phim hay là đọc sách
Luôn nhớ thân này vô thường.

Lúc ăn cơm hay uống nước
Khi tắm rửa hay vệ sinh
Đắp y hay mang giày dép
Luôn nhớ thân này vô thường.

Những khi tâm con tỉnh giác
Càng nhớ thân này vô thường
Nguyện cho chúng sinh khắp chốn
Luôn nhớ thân này vô thường.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)

(tiếp theo đọc bài hồi hướng)
Nguyện pháp giới chúng sinh
Cùng tinh tấn tu hành
Thoát chấp ngã vô minh
Đồng viên thành Phật đạo.
XẢ THIỀN

(Thao tác kế tiếp là những động tác xoa bóp nhẹ nhàng)
· Cúi đầu lên xuống chừng 5 lần.
· Xoay đầu qua lại chậm chậm chừng 5 lần.
· Chuyển động hai vai theo hình tròn lên xuống chừng 5 lần và xoay ngược lại chừng 5 lần.
· Xoay toàn thân dựa trên trục eo lưng qua lại hai bên, mỗi bên khoảng 5 lần.
· Bóp bóp hai bàn tay, xoa hai cánh tay.
· Áp bàn tay chà xát cho nóng. Rồi đưa tay lên xoa đầu, mặt, hai tai, cổ, gáy (khoảng chừng 30 giây)
· Xoa hai bàn tay thật nóng rồi áp vào mắt (10 lần)
· Xoa ngực, bụng, sườn
· Rồi kéo chân ra xoa bóp nhẹ nhàng.
· Sau đó, ngồi tại chỗ một chút cho thoải mái.
(kế đến quỳ lạy Phật 3 lễ rồi đi kinh hành)

KINH HÀNH

Khi đi bách bộ kinh hành vẫn giữ tâm yên tĩnh như khi ngồi thiền
· Biết rõ toàn thân

· Quán thân vô thường

HƯỚNG DẪN THIỀN VỚI NGƯỜI ÍT CÓ THỜI GIANTrong những buổi toạ thiền ở các dịp lễ hội đông người. Người mới tu lần đầu và thời gian thực tập không có nhiều thì ta vẫn linh động hướng dẫn những căn bản để sau đó khi về nhà người ta có thể áp dụng có kết quả:
1. Ngồi đúng tư thế.
2. Thở vào biết rõ toàn thân; thở ra biết rõ toàn thân.
3. Thở vào giữ thân mềm mại bất động; thở ra giữ thân mềm mại bất động.
4. Thở vào thấy thân này vô thường; thở ra thấy thân này vô thường.
5. Thở vào nguyện lòng thương yêu chúng sanh; thở ra nguyện lòng thương yêu chúng sanh. (khi tâm loạn)
6. Thở vào biết tâm còn phiền động; thở ra biết tâm còn phiền động. (khi tâm yên)
7. Xả thiền

Nguồn : Thiền Tôn Phật Quang

Copyright 2014, Bản quyền thuộc Công ty TNHH Cộng Đồng Việt Thịnh Phát

Địa chỉ: Số 134 - 135 Đường Hùng Vương, TP. Phan Thiết, Bình Thuận
Điện thoại: 0913.17.1788 - Hotline: 0123.588.2588
Email: quocvietsnvbt@gmail.com
Website: everythingbinhthuan.com