Đâu Là Sự Khác Biệt Của Ví Lưu Ký Và Không Lưu Ký?
Bạn đã bao giờ tự hỏi làm thế nào mà tiền mã hóa có thể được lưu trữ và chúng lưu trữ ở nơi nào? Có nhiều loại ví tiền mã hóa khác nhau mà các chủ sở hữu token có thể sử dụng để lưu trữ tiền mã hóa. Tuy nhiên, chúng thường có thể được chia thành hai loại lớn: ví lưu ký (custodial) và ví không lưu ký (non-custodial).
Ví lưu ký, như Binance Custody, là một dịch vụ mà bên thứ ba "giữ dùm" khóa riêng tư và tài sản của bạn. Tài khoản Binance thông thường của bạn cũng là một ví lưu ký. Ngược lại, nếu bạn sử dụng ví không lưu ký, một mình bạn có toàn quyền kiểm soát tài sản của mình. MetaMask và Binance Chain Wallet là những ví dụ về ví không lưu ký.
Cả ví lưu ký và không lưu ký đều có ưu và nhược điểm riêng. Hãy cùng tìm hiểu sự khác biệt của chúng để bạn có thể tìm hiểu khi nào nên sử dụng loại này hay loại kia.
Giới thiệu
Nếu bạn đã từng sử dụng Bitcoin hoặc các loại tiền mã hóa khác, bạn biết rằng có một ví kỹ thuật số là điều cần thiết. Bạn sẽ cần dùng ví nếu bạn muốn thực hiện giao dịch, giao dịch trên sàn giao dịch tiền mã hóa hoặc sử dụng các ứng dụng blockchain . Do đó, điều quan trọng là phải hiểu cách hoạt động của ví tiền mã hóa và sự khác biệt chính giữa các ví lưu ký và không lưu ký.
Cách ví tiền mã hóa hoạt động
Nói ngắn gọn, ví tiền mã hóa là một công cụ mà bạn có thể sử dụng để tương tác với mạng blockchain . Bạn có thể sử dụng nó để gửi và nhận tiền mã hóa hoặc truy cập các ứng dụng phi tập trung (các DApp).
Về mặt kỹ thuật, ví tiền mã hóa không thực sự lưu trữ tài sản kỹ thuật số của bạn. Thay vào đó, chúng tạo ra thông tin bạn cần để có thể sử dụng tiền mã hóa. Tuy nhiên, hầu hết người dùng sử dụng động từ "lưu trữ" để làm cho nó dễ hiểu hơn với những người mới bắt đầu, vì vậy chúng tôi sẽ sử dụng từ này trong suốt bài viết.
Ngoài nhiều thành phần, ví tiền mã hóa chủ yếu được tạo thành từ hai thành phần chính –khóa công khai và khóa riêng tư.
Nếu mọi người muốn gửi tiền mã hóa cho bạn, họ có thể thực hiện giao dịch đến một trong các địa chỉ của bạn, được tạo bởi khóa công khai từ ví của bạn. Địa chỉ ví và khóa công khai của bạn có thể được chia sẻ với những người khác (do đó có thuật ngữ công khai).
Khóa riêng tư, thứ có thể hiểu như một mật khẩu bí mật, dùng để ký vào các giao dịch và cung cấp quyền truy cập vào tiền của bạn. Miễn là bạn giữ khóa riêng tư của mình an toàn, bạn sẽ có thể truy cập tiền mã hóa của mình từ bất kỳ thiết bị nào.
Trong khi tiền mã hóa là kỹ thuật số, ví tiền mã hóa giữ khóa riêng tư và khóa công khai có thể có nhiều tùy chọn khác nhau – các khóa có thể được in trên một tờ giấy, được truy cập thông qua phần mềm ví trên máy tính để bàn hoặc được lưu trữ ngoại tuyến trong các thiết bị ví phần cứng.
Một số ví cũng cung cấp tùy chọn lưu trữ và chuyển các NFT, là các token không thể thay thế được phát hành trên một blockchain.
Nhưng bất kể với loại ví nào, bạn sẽ luôn có thể chia ví tiền mã hóa thành ví lưu ký hoặc không lưu ký.
Ví tiền mã hóa lưu ký là gì?
Như tên gọi, ví tiền mã hóa lưu ký là một nơi "giữ dùm" chữ ký cho bạn. Điều này có nghĩa là bên thứ ba sẽ thay mặt bạn giữ và quản lý các khóa riêng tư của bạn. Nói cách khác, bạn sẽ không có toàn quyền kiểm soát tiền của mình - cũng như khả năng ký kết các giao dịch. Nhưng sử dụng dịch vụ ví tiền mã hóa lưu ký không nhất thiết là một điều xấu.
Trong những ngày đầu tiên của Bitcoin, tất cả người dùng phải tạo và quản lý ví cũng như khóa riêng tư của riêng họ. Mặc dù việc "là ngân hàng của chính bạn" mang lại rất nhiều lợi ích, nó có thể gây bất tiện và thậm chí rủi ro cho những người dùng ít kinh nghiệm. Nếu khóa riêng tư của bạn bị xâm phạm hoặc bị mất, bạn sẽ vĩnh viễn mất quyền truy cập vào tài sản tiền mã hóa của mình. Các báo cáo phân tích blockchain cho thấy hơn 3 triệu BTC có thể đã bị mất vĩnh viễn.
Cũng có những trường hợp thừa kế tiền mã hóa không thể truy xuất được bởi vì các khóa riêng tư được nắm giữ bởi một mình chủ sở hữu tiền mã hóa ban đầu. Bạn có thể ngăn những sự cố như vậy xảy ra bằng cách chia sẻ quyền truy cập vào tài sản của mình với một bên lưu ký.
Ngay cả khi bạn quên mật khẩu trao đổi tiền mã hóa, bạn vẫn có thể truy cập vào tài khoản và tài sản của mình bằng cách liên hệ với bộ phận hỗ trợ khách hàng. Tuy nhiên, nếu bạn đang sử dụng ví không lưu ký, bạn phải có trách nhiệm giữ an toàn cho tiền mã hóa của mình.
Vì vậy, trong nhiều trường hợp, bạn nên tin tưởng vào dịch vụ ví lưu ký. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là bạn đang ủy thác các khóa riêng tư của mình cho một bên thứ ba. Đó là lý do tại sao việc chọn một sàn giao dịch hoặc nhà cung cấp dịch vụ đáng tin cậy là một việc quan trọng.
Một số thông tin cần tìm hiểu khi khám phá các nhà cung cấp dịch vụ lưu ký sẽ là liệu nó có được quản lý hay không, loại dịch vụ bạn nhận được, cách lưu trữ khóa riêng tư của bạn và liệu có bảo hiểm hay không.
Ví dụ: Binance Custody được quản lý, tuân thủ và cung cấp bảo hiểm tiêu chuẩn cho các tài khoản Binance của công ty. Nó cũng cung cấp bảo hiểm tội phạm và các yêu cầu bảo hiểm theo các yêu cầu khác. Binance Custody cũng sử dụng ví đa chữ ký (multisig), một giao thức loại bỏ rủi ro tập trung bằng cách yêu cầu nhiều bên phê duyệt các giao dịch tiền mã hóa trước khi chúng có thể được thực hiện.
Ví tiền mã hóa không lưu ký là gì?
Ví tiền hoá không lưu ký là ví mà chỉ người sở hữu mới thực sự sở hữu và kiểm soát các khóa riêng tư. Đối với những người dùng muốn kiểm soát tiền của họ, ví không lưu ký là lựa chọn tốt nhất. Vì không có trung gian nên bạn có thể giao dịch tiền mã hóa trực tiếp từ ví của mình. Đây là một lựa chọn an toàn mà hầu hết các nhà giao dịch và nhà đầu tư sử dụng. Tuy nhiên, bạn phải quản lý các khoá của mình và đặc biệt phải ghi nhớ cụm từ hạt giống.
Bạn sẽ cần một ví không lưu ký khi tương tác với sàn giao dịch phi tập trung (DEX) hoặc ứng dụng phi tập trung (các DApp). Uniswap, SushiSwap, PancakeSwap và QuickSwa là những ví dụ phổ biến về các sàn giao dịch phi tập trung yêu cầu ví không lưu ký.
Trust Wallet và MetaMask là những ví dụ tuyệt vời về các nhà cung cấp dịch vụ ví không lưu ký . Nhưng hãy nhớ rằng với những ví này, bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm giữ an toàn cho cụm từ hạt giống và khóa riêng tư của mình.
Ưu và nhược điểm của ví lưu ký
Như đã thảo luận, nhược điểm chính của ví lưu ký là bạn phải tin tưởng đưa tiền và khóa riêng tư của mình cho một bên thứ ba. Trong hầu hết các trường hợp, các nhà cung cấp dịch vụ này cũng sẽ yêu cầu xác minh danh tính (KYC). Tuy nhiên, ưu điểm của ví lưu ký là sự yên tâm và tiện lợi. Bạn sẽ không phải lo lắng về việc mất khóa riêng tư của mình và bạn có thể liên hệ với bộ phận hỗ trợ khách hàng khi gặp sự cố.
Khi sử dụng dịch vụ lưu ký, hãy đảm bảo rằng bạn chọn một công ty đáng tin cậy, cung cấp bảo hiểm và có mức bảo hiểm cao. Hãy tìm những bên lưu ký tuân thủ các quy định.
Một số bên cung cấp dịch vụ lưu ký tiền mã hóa cũng có các yêu cầu khác mà bạn có thể không đủ điều kiện. Ví dụ: Binance Custody là một nhà cung cấp dịch vụ lưu ký chỉ hỗ trợ người dùng doanh nghiệp tại thời điểm này. Bạn có thể đọc Câu hỏi thường gặp về Binance Custody để biết thêm thông tin.
Ưu và nhược điểm của ví không lưu ký
Không có bên thứ ba giám sát, ví không lưu ký cung cấp toàn quyền kiểm soát đối với các khóa và tiền của bạn. Nói cách khác, tài sản của bạn thực sự là của bạn và bạn có thể là ngân hàng của chính mình. Ngoài ra, các giao dịch không lưu ký có xu hướng nhanh hơn vì bạn không phải đợi phê duyệt rút tiền. Cuối cùng, không có người lưu ký, bạn không phải chịu thêm phí trông coi, có thể tốn kém tùy thuộc vào nhà cung cấp dịch vụ bạn chọn.
Như chúng ta đã thấy, một nhược điểm của việc sử dụng ví không lưu ký liên quan đến khả năng truy cập và tính dễ sử dụng. Chúng thường ít thân thiện với người dùng hơn và có xu hướng gây ra vấn đề cho những người mới sử dụng tiền mã hóa. Khi các nhà cung cấp dịch vụ không lưu ký phát triển, điều này sẽ được giải quyết trong tương lai.
Tất nhiên, bạn cũng phải chịu trách nhiệm đối với các khóa của mình và phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa khi quản lý chúng. Điều này có nghĩa là thay vì tin tưởng người khác quản lý tiền của bạn, bạn phải tin tưởng vào chính mình.
Tôi nên sử dụng loại ví tiền mã hóa nào?
Cả hai loại ví đều tốt để lưu trữ tài sản tiền mã hóa của bạn, bao gồm cả các NFT. Hầu hết các nhà giao dịch và nhà đầu tư sử dụng cả hai trong các tình huống khác nhau. Tuy nhiên, bạn nên đảm bảo rằng ví bạn sử dụng hỗ trợ loại tiền mã hóa mà bạn muốn lưu trữ. Chúng không thể được lưu trữ theo cùng một cách.
Có nhiều loại tiền mã hóa khác nhau hoạt động trên các mạng blockchain khác nhau. Chúng ta có thể phân loại các loại này theo các tiêu chuẩn token của chúng, nhưng hãy nhớ rằng chúng ta có thể có các token giống nhau chạy trên nhiều blockchain theo các tiêu chuẩn khác nhau. Ví dụ: bạn có thể tìm thấy BNB dưới dạng BEP-20 trên BNB Smart Chain, nhưng cũng có thể là token BEP-2 trên BNB Beacon Chain.
Dưới đây là một số tiêu chuẩn token phổ biến nhất:
-
BNB Smart Chain: BEP-20, BEP-721, BEP-1155
-
BNB Beacon Chain: BEP-2
-
Ethereum: ERC-721 , ERC-1155
-
Solana: SPL
MetaMask, Trust Wallet và MathWallet là các ví không lưu ký chấp nhận hầu hết các tài sản mã hóa phổ biến nhất. Nếu bạn không chắc về những token mà ví của bạn hỗ trợ, hãy đọc Câu hỏi thường gặp hoặc tài liệu chính thức của họ để biết thêm thông tin.
Đôi khi, các ví liên tục nâng cấp để đáp ứng nhu cầu của người dùng có thể hỗ trợ nhiều token hơn theo thời gian. Ví dụ: Binance Custody hiện hỗ trợ BTC, ETH, BCH, LTC, BUSD, BNB, CAKE và nhiều token ERC-20 khác. Binance Custody sẽ dần dần bao gồm nhiều loại token hơn để hỗ trợ nhu cầu của người dùng.
Tổng kết
Nên sử dụng ví lưu ký hay không lưu ký? Hầu hết người dùng tiền mã hóa sử dụng cả hai, nhưng lựa chọn dùng ví nào phụ thuộc vào nhu cầu của bạn. Nếu bạn muốn có toàn quyền kiểm soát tài sản của mình hoặc đơn giản là muốn sử dụng công nghệ blockchain để tương tác với các ứng dụng DeFi , bạn nên xem xét một ví không lưu ký. Tuy nhiên, nếu bạn đang tìm kiếm một nhà cung cấp dịch vụ có thể đáp ứng nhu cầu lưu trữ của bạn trong khi bạn giao dịch hoặc đầu tư, bạn có thể tìm kiếm các nhà cung cấp dịch vụ ví lưu ký đáng tin cậy.
Hãy nhớ rằng cho dù bạn đang sử dụng ví lưu ký hay không lưu ký thì bạn luôn cần cẩn thận và áp dụng các phương pháp tốt nhất để tăng cường bảo mật cho tiền của mình.