Bắc Kinh đang có 1001 lý do để phát triển nhân dân tệ điện tử. Đó sẽ là phương tiện để áp đặt đơn vị tiền tệ Trung Quốc với thế giới, để thoát khỏi ảnh hưởng của đô la Mỹ, là một vũ khí mới trong cuộc đọ sức với Washington, là công cụ thâu tóm toàn bộ hoạt động kinh tế quốc gia.
Trung Quốc đang trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới « mã số hóa đơn vị tiền tệ quốc gia » : đồng nhân dân tệ điện tử hiện được biết dưới tên gọi DCEP (Digital Currency Electronic Paiement). Trong giai đoạn thử nghiệm, đồng tiền Trung Quốc digital đó từng bước được sử dụng kể từ năm 2021 trước khi chính thức đi vào hoạt động, có thể là nhân dịp Trung Quốc tổ chức Thế Vận Hội mùa đông 2022.
Từ tháng 10/2020 đồng nhân dân tệ kỹ thuật số đã xuất hiện ở một vài thành phố như Thâm Quyến, Tô Châu và tại một số nơi ở thủ đô Bắc Kinh. Người sử dụng có một ví tiền điện tử được gài trong điện thoại thông minh. Với một số tiền nhất định trong đó để thanh toán các khoản mua sắm tại một số cửa hàng được chọn làm thí điểm. Thật ra tại Trung Quốc những ai quen dùng ứng dụng AliPay của Alibaba hay WeChatPay của Tencent thì việc dùng nhân dân tệ điện tử để mua bán không có gì khác lạ.
Tuy nhiên, có một khác biệt lớn giữa nhân dân tệ kỹ thuật số với đồng tiền ảo Bitcoin chẳng hạn đã được nhiều người biết đến : tiền điện tử Trung Quốc do chính Ngân Hàng Trung Ương nước này phát hành và quản lý
Một sự chuẩn bị dài hơi
Tờ báo điện tử Pháp chuyên về tài chính Boursorama trích dẫn nghiên cứu của cơ quan quản lý đầu tư La Salle Investment Management, theo đó Trung Quốc đã « chuẩn bị từ lâu nay để cho ra đời đồng tiền kỹ thuật số, những nỗ lực đó đã được tăng tốc trong năm 2020 với mục đích Trung Quốc phải là quốc gia đầu tiên sử dụng một đồng tiền ảo do Ngân Hàng Trung Ương phát hành và quản lý (…) Đơn vị tiền ảo này vừa có giá trị chính thức vừa có thể thay thế tiền giấy và tiền xu đang lưu hành ».
Từ năm 2014 Trung Quốc đã nhắm tới phương tiện thanh toán thời đại kỹ thuật số này và ba năm sau đó Viện Nghiên Cứu Tiền Kỹ Thuật Số và Phương Tiện Thanh Toán Điện Tử đã chào đời. Cơ quan này chịu trách nhiệm về các khâu thử nghiệm đồng nhân dân tệ digital. Ngoài ra, Viện còn phải tiếp tục tìm hiểu và quan sát phản ứng của người tiêu dùng trước một đơn vị tiền tệ mới.
Tăng cường kiểm duyệt với « bên trong »
Theo các nhà quan sát, Bắc Kinh theo đuổi nhiều mục tiêu cùng một lúc khi cho ra đời đồng nhân dân tệ kỹ thuật số. Mục đích thứ nhất là phá vỡ thế độc quyền của hai tập đoàn công nghệ cao Trung Quốc Alibaba và Tencent trên thị trường các dịch vụ thanh toán tài chính. Một phóng sự trên đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc cho thấy tại siêu thị Walmart ở Tô Châu 94 % các khách hàng trả tiền bằng ứng dụng AliPay hay WeChatPay. Theo như tiết lộ của báo Le Monde thì một trong những lý do khiến ông vua của ngành mua bán trên mạng Jack Ma /Mã Vân bị thất sủng là do đã từ chối cung cấp dữ liệu cá nhân của các thân chủ cho Ngân Hàng Trung Ương.
Điều này củng cố cho mục tiêu thứ hai của Bắc Kinh khi cho ra đời đồng nhân dân tệ digital : đó là theo dõi, kiểm soát các luồng chi tiêu một cách trực tiếp. Như vậy Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc sẽ trở thành « nhà kho cất chứa dữ liệu về các khoản giao dịch tài chính lớn nhất trên thế giới ». Điều đó cho phép chính quyền Trung Quốc và các cơ quan chức năng « kiểm soát tất cả các khoản chi tiêu của mỗi cá nhân, mỗi hộ gia đình, mỗi doanh nghiệp ».
Mục tiêu thứ ba của Bắc Kinh là một khi có được công cụ tiền tệ kỹ thuật số này, thì từng bước áp đặt luật chơi với phần còn lại của thế giới. Trên đài RFI Pháp ngữ, phó giám đốc Viện Quan Hệ và Chiến Lược Quốc Tế của Pháp/ IRIS, bà Sylvie Matelly phân tích :
« Đây chính là phương tiện để Trung Quốc vượt qua khó khăn trong việc đưa nhân dân tệ trở thành một đơn vị tiền tệ quốc tế. Hiện tại, cho dù đã có nhiều nỗ lực và bất chấp sức mạnh kinh tế, đơn vị tiền tệ của Trung Quốc mới chỉ chiếm có từ 4 đến 5 % khoản dự trữ ngoại tệ trên thế giới. Tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với euro : đồng tiền chung châu Âu chiếm 20 % dự trữ ngoại tệ toàn cầu.
Vị trí rất khiêm tốn đó của nhân dân tệ thực sự là một thất bại đối với Trung Quốc nhất là, như đã biết, Trung Quốc là cường quốc xuất khẩu số 1. Bắc Kinh muốn bằng mọi giá thoát khỏi nguyên tắc ngoài lãnh thổ do Hoa Kỳ áp đặt với các quốc gia khác trên thế giới. Trung Quốc muốn giảm mức độ lệ thuộc vào đô la Mỹ. Đó là điểm khởi đầu thúc đẩy Trung Quốc phát triển tiền ảo. Không những vậy mà Trung Quốc còn muốn đi tiên phong trong lĩnh vực này và coi đây là phương tiện, là công cụ để nhân dân tệ chiếm vị trí quan trọng trên bàn cờ tài chính quốc tế.
Thực ra cũng hơi ngạc nhiên là với sức mạnh xuất khẩu như vậy và trọng lượng kinh tế đã có ngày nay, mà Bắc Kinh vẫn chưa thành công trong việc áp đặt nhân dân tệ như một phương tiện thanh toán với phần còn lại của thế giới, kể cả trong các dịch vụ mua bán hàng của Trung Quốc. Tiền ảo là cơ hội để Trung Quốc thoát khỏi bế tắc này ».
Tham vọng thống lĩnh thế giới với « đằng ngoài »
Để đạt được mục tiêu vừa đẩy mạnh vai trò của đồng nhân dân tệ trên bàn cờ tài chính quốc tế, vừa thoát khỏi ảnh hưởng của đồng đô la Mỹ, Trung Quốc bắt buộc phải làm chủ công nghệ mới áp dụng trong ngành tài chính. Nhà nghiên cứu Charles Thibout cũng thuộc Viện nghiên cứu IRIS của Pháp nêu lên một giả thuyết :
« Từ một vài năm trở lại đây, Trung Quốc đã nhìn xa hơn cả mục đích lưu hành đồng tiền ảo và làm chủ công nghệ blockchain với những chuỗi khối chứa đựng thông tin. Đồng tiền ảo Trung Quốc dựa vào công nghệ này. Lợi ích ở đây là tiền ảo giúp Trung Quốc không cần phải đi qua trung gian các ngân hàng và định chế tài chính đa quốc gia, mà số này phần lớn chịu dưới áp lực của Hoa Kỳ và của phương Tây. Thêm vào đó tiền ảo cũng sẽ giúp Bắc Kinh không còn lệ thuộc vào đồng đô la Mỹ nữa.
Trong trường hợp đó, Trung Quốc không sợ bị Mỹ nhân danh nguyên tắc ‘ngoài lãnh thổ’. Sau cùng với đồng tiền số hóa Bắc Kinh tránh né được các quy định của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế hay Ngân Hàng Thế Giới, mà cả hai định chế này chủ yếu nằm trong vòng kềm tỏa của Washington, qua trung gian hai định chế đa quốc gia này, Mỹ định đoạt trật tự tài chính thế giới. Thành thử tôi nghĩ rằng dưới góc độ này Trung Quốc cần khai thác công nghệ tài chính mới ».
Vũ khí mới để đương đầu với Mỹ
Công trình nghiên cứu của trung tâm Chính Trị Chiến Lược của Úc (Australian Strategic Policy), tháng 10/2020 cảnh báo : « một Nhà nước trong tay đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ khuyến khích thậm chí bắt buộc những người nước ngoài đến Trung Quốc cũng phải sử dụng đồng tiền ảo trong một số các khoản chi tiêu và đây có thể là một điều kiện để tiếp cận với thị trường Trung Quốc ».
Trong trường hợp đó, cuộc đọ sức giữa nhân dân tệ và đô la sẽ mở màn. Cũng theo các chuyên gia của trung tâm nghiên cứu Úc này trên ván bài tiền kỹ thuật số, lợi thế đang thuộc về Bắc Kinh. Điều đó sẽ cho phép Trung Quốc áp đặt một số chuẩn mực với phần còn lại của thế giới. Kinh nghiệm của Trung Quốc có thể sẽ là tấm gương cho một số các quốc gia khác.
Trong một chừng mực nào đó, tiền ảo sẽ là phương tiện để Trung Quốc và nhiều nước khác trên thế giới chấm dứt cảnh đồng đô la làm mưa làm gió trên thị trường tài chính toàn cầu. Hoa Kỳ nhân danh điều luật ngoài lãnh thổ để bắt các quốc gia khác phải nộp phạt khi sử dụng đồng đô la để thanh toán với bất kỳ một đối tác nào bị Washington đưa vào sổ đen như là trường hợp hiện tại của Iran hay Bắc Triều Tiên chẳng hạn.
Để đồng nhân dân tệ điện tử lưu hành một cách an toàn, các giới chức tài chính và chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật số của Bắc Kinh còn phải vượt qua nhiều thử thách về mặt công nghệ về khả năng đề phòng các vụ tấn công mạng, đối phó với nạn các tổ chức tội phạm sử dụng đồng tiền ảo để rửa tiền…
Nhưng điều chắc chắn là qua việc mã số hóa đồng tiền, Trung Quốc không còn che giấu tham vọng phát triển một công cụ tài chính và tiền tệ mới để có thể cạnh tranh trực tiếp với đồng đô la của Hoa Kỳ, qua đó khẳng định thế thượng phong của một siêu cường kinh tế.
Theo https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-kinh-t%E1%BA%BF/20210202-trung-quoc-tien-ao-tai-chinh-kinh-te