Tìm kiếm việc làm
Từ khóa
Lĩnh vực
Khu vực
Trình độ
Tìm kiếm
Thành viên đăng nhập
Thống kê website

Đang trực tuyến

3

Lượt truy cập

930174

GIÁ TRỊ CỦA HƠI THỞ
» Kiến thức về sức khỏe
Đăng lúc 19:40 26/07/2020 bởi Super Administrator
 

Trong hình ảnh có thể có: ngoài trời và văn bản
GIÁ TRỊ CỦA HƠI THỞ
( Rất quan trọng )

Sư Phụ nhận định: Tu thiền rất vất vả.
Trong hàng nghìn người không được vài người đủ nhân duyên để quyết tâm, kiên trì theo đuổi con đường thiền khó khăn này.
Đa phần chúng sinh chỉ thích tu cái gì cho dễ, lại mau mang lại kết quả.
Còn những người tu thiền thì phải chấp nhận một sự thật là tu thiền rất cực khổ, mà kết quả chứng đạo thì xa vời vợi, có khi phải nhiều kiếp sau mới thành tựu được.

Tuy nhiên, người chấp nhận điều này là người có trí tuệ, có dũng lực và nhìn ra được sự thật.
Vì một đạo quả, một Thánh quả lớn lao không bao giờ được gieo bởi cái nhân nhỏ bé, mà phải được gieo bởi công đức phi thường. Và công đức phi thường đó không bao giờ chỉ gieo trong một kiếp là đủ.

Người tu Thiền nhìn ra điều đó nên chấp nhận vất vả tu hành, làm vô số công đức lành qua nhiều kiếp sống... Cho đến khi đạo quả thật sự đến rồi thì đó mới thật sự là một đạo quả phi thường.

Chúng ta thấy, các đạo tràng tu thiền, tuy là một trải nghiệm tu học trong nội bộ giữa thầy với trò, thấy có vẻ đầm ấm, nhỏ bé, nhưng ẩn chứa trong đó một điều rất lớn, là ta tạo thành sức mạnh nội tại về thiền cho Phật giáo.
Thầy mong rằng các trung tâm, các chùa, các đạo tràng tu thiền ngày càng được lan tỏa rộng khắp để Phật giáo Việt Nam thật sự có sức mạnh về thiền. Từ đó, chúng ta có thể giao lưu, hội nhập với Phật giáo thế giới.
Sư Phụ nhấn mạnh giá trị của hơi thở:
“Giá trị của hơi thở” trong thiền định.
Ai tu Thiền đều phải biết về hơi thở.
Tuy nhiên hãy lưu ý rằng theo lộ trình tu tập thì trước khi biết hơi thở, ta phải tập ngồi đúng tư thế, tập “quán thân” trước, (giữ thân mềm mại bất động, cảm giác toàn thân, biết rõ toàn thân, suy nghiệm sự vô thường của thân).
Đi qua giai đoạn này có người mất mấy tháng, có người phải đi cả năm rồi mới đến giai đoạn biết hơi thở.

Để hiểu hơi thở đối với thiền định quan trọng như thế nào, Thầy kể một câu chuyện thời Đức Phật:
Một lần trong chuyến du hành đến miền Bắc Ấn Độ, Đức Phật dừng lại nơi một khu rừng nằm dưới chân dãy Hy Mã Lạp Sơn để bế quan nhập thất, không tiếp xúc với ai trừ người đưa cơm.
Đây là sự kiện rất đặc biệt trong suốt 45 năm giáo hóa của Đức Phật.
Sau ba tháng, Đức Phật mới xuất thất trở ra, và Người đã dành bài pháp đầu tiên để nói về hơi thở. Trong đó Đức Phật có nói câu: “Người nào an trú được trong hơi thở thì người đó an trú được trong Như Lai”. Chúng ta nghe thấy rất lạ.
Vì vậy, phải biết rằng hơi thở vô cùng quan trọng đối với người tu tập thiền định, hễ ai tu thiền đều phải hiểu về hơi thở rất kĩ.

Trên đời chỉ có hai hạng người không cần phải thở:
một là người đã chết.
Hai là bậc A La Hán đã nhập diệt tận định, khi ấy hơi thở của các vị cũng tắt luôn.
Còn lại tất cả chúng ta đều phải thở, mà thở là gì? Thở là lấy khí oxi của đất trời vào phổi, rồi phổi đưa oxi vào trong máu, máu đưa oxi đi khắp cơ thể.
Toàn bộ cơ thể đều cần oxi.
Nếu thiếu oxi thì sự sống của cơ thể sẽ ngừng lại, mà đầu tiên là não, thiếu oxi trong vài phút là não chết ngay. Mà khi não chết rồi thì ta xem như đã qua đời, dù các nội tạng phía dưới vẫn còn tốt.

Có hai tính chất của hơi thở, đó là tự động và chủ động.

Não điều khiển cho phổi phồng - xẹp để lấy hơi thở vào - ra, dù không cần điều khiển thì cơ thể vẫn thở, ta thấy đó là sự tự động.
Tuy nhiên thật sự hơi thở có hai tính chất, một là “tự động”; hai là “chủ động”.
Khi ta không để ý thì cơ thể vẫn thở ra thở vào, đó là tự động.
Còn nếu ta để ý đến hơi thở thì tự nhiên hơi thở mạnh lên, đó là chủ động.

Và thần kinh thở, tác ý thở này có ảnh hưởng đến tâm lý của con người.
Chẳng hạn khi quá xúc động, có những người đã hít sâu vào, tự nhiên cảm giác muốn xỉu, muốn khóc, muốn buồn lắng xuống ngay.
Đó chính là mối liên quan giữa hơi thở với hoạt động tâm lý của não mà khoa học đã tìm thấy. Nên trong y học thần kinh có câu: “khi thần kinh thở được kích hoạt thì võ não bị ức chế”, tức là khi ta cố thở một cách chủ động thì những hoạt động lăng xăng nơi vỏ não bị kiềm chế lại ngay, ta bớt loạn động, bớt suy nghĩ ngay.

Nguyên lý này đã được người xưa tìm ra từ lâu. Trước thời Đức Phật, có những phái tập luyện cũng phát hiện ra rằng nếu tập thở chủ động đúng cách thì tâm sẽ đi vào an định. Chẳng những người Ấn Độ mà người Ai Cập, người Trung Hoa cổ, người Việt Nam cổ từ mấy nghìn năm xưa đều đã tìm ra công năng này của hơi thở. Vì vậy, Á Đông mới có phương pháp tập khí công (“khí” nghĩa là hơi thở) khiến con người được an ổn tinh thần, mở ra một cánh cửa đi vào tâm linh. Như vậy hơi thở chủ động, có ý thức là phương tiện để nhiếp tâm thanh tịnh.

Khi ta chủ động biết rõ hơi thở: “thở vào biết thở vào, thở ra biết thở ra” thì thần kinh não bị ức chế, tâm ta lắng yên lại. Do đó, hơi thở có ý thức, có tỉnh giác, có biết rõ, có chủ động sẽ giúp não bộ được tỉnh giác và tập trung. “Tỉnh giác” là bỗng nhiên toàn thân ý thức rõ; “tập trung” là không bị vọng tưởng lăng xăng.
Điều này đã được người xưa phát hiện từ mấy nghìn năm trước và Đức Phật khai thác kỹ hơn, nhấn mạnh, phát triển thêm để cho mọi người biết nương vào hơi thở mà đi vào định, đi luôn vào sự giải thoát.

Tại sao hơi thở giúp ta đi vào định? Thiền định là con đường để nhiếp tâm, mà nhiếp tâm nghĩa là không suy nghĩ, không vọng tưởng. Có hai cách để đạt được cái “không vọng tưởng” này:

- Một là lo canh chừng vọng tưởng, hễ có vọng tưởng là đuổi đi, diệt đi. Đó là cách “trực tiếp”, và cách này Phật không khuyến khích lắm.

- Phật khuyến khích con đường thứ hai, là con đường “gián tiếp”, tức sử dụng hơi thở có ý thức để diệt vọng tưởng (bởi giữa hơi thở và hoạt động não luôn luôn có liên quan với nhau).
Đó là lý do mà từ ngàn xưa cho tới ngày nay ai tu tập thiền định đều phải biết rõ về cách tu tập hơi thở cả, từ thiền của Phật giáo nguyên thủy cho đến Phật giáo đại thừa.

Có thêm một bí mật nữa về hơi thở, Thầy cho biết con người được nuôi dưỡng bởi hai loại khí: một là khí trời; hai là luồng khí tâm linh.
Khi ta hít khí trời, không khí đi vào phổi (hơi thở vật lý) thì lập tức cũng có một luồng khí tâm linh vô hình đi vào cơ thể ta. Võ học gọi đó là chân khí, nguyên khí, còn ta tạm gọi là khí của tâm linh.

Trong khi khí trời chỉ vào đầy đến hai buồng phổi là hết thì luồng khí tâm linh này thường không có giới hạn bởi gân, cơ, xương... Và luồng khí tâm linh khi vào đến phần nào trong cơ thể ta thì nó kích hoạt, tạo lực cho cơ thể đến đó.
Ví dụ, khi được dẫn lên đầu thì nó kích hoạt não bộ lên, vào đến bụng thì kích hoạt những gì ẩn giấu trong bụng lên, vào đến chân thì kích hoạt những gì ẩn giấu dưới chân lên.

Tuy nhiên, nếu hơi thở lên đầu, nó sẽ kích hoạt sự hoạt động của não bộ lên, khi đó não bộ cứ suy nghĩ nhiều, cứ loạn động và ta có thể phát điên luôn. Chỉ khi nào bộ não càng tĩnh lặng thì con người mới càng bình an, sáng suốt, trí tuệ. Mà khi toàn bộ bộ não lắng hết rồi thì cánh cửa của vũ trụ mở ra, ta biết được cả vũ trụ từ nơi đây, chứ không phải bắn phi thuyền đi đâu cả.

Vì vậy người đệ tử Phật có một con đường phải đi, đó là dừng tất cả mọi suy nghĩ, nhiếp tâm trong thiền định cho đến tận cùng, diệt trừ hết bản ngã để thành tựu sự giác ngộ cao siêu. Từ chỗ này mà mọi cánh cửa huyền ảo của pháp giới vũ trụ sẽ mở tung ra.

Vì tầm quan trọng của luồng khí tâm linh, một lần nữa Sư Phụ nhắc lại:
luồng khí tâm linh không bị giới hạn bởi cơ, gân, xương..., đi vào đến đâu là kích hoạt cơ thể đến đó. Ta muốn kích hoạt vùng nào thì đưa chân khí đến đó. Tuy nhiên với kinh nghiệm của những bậc đại sư, tổ sư thì đừng khờ dại đưa chân khí lên kích hoạt vùng não vì sẽ gây ra điên loạn.
Khôn ngoan, minh triết, sáng suốt nhất là đưa chân khí về tụ tại đan điền. Khi đó ta được hai điều lợi:

+ Một là não bộ lắng yên bớt loạn động
+ Hai là nội lực tiềm tàng dần thành hình.

Có người sẽ hỏi: muốn diệt vọng tưởng, tại sao không đi thẳng (canh chừng vọng tưởng để diệt), mà phải đi vòng (dùng hơi thở)?
Hãy biết rằng “đi vòng một khắc đi tắt một năm”, đây là kinh nghiệm của ông bà tổ tiên ta. Có những mục tiêu nếu ta đường vòng thì đến được, còn đi thẳng tưởng là nhanh nhưng không bao giờ đến vì những chướng ngại giữa đường.

Cũng vậy, nếu ta canh chừng vọng tưởng để diệt (đi đường thẳng) thì vọng tưởng sẽ không bao giờ chấm dứt, còn nếu ta theo dõi hơi thở, biết rõ toàn thân... tức là bắt đầu từ thân, từ hơi thở để tu cái tâm (đi đường vòng) thì sẽ có ngày nhiếp được tâm, có ngày chứng đạo.
Đó là lý do mà Đức Phật nói rằng: “Ai an trú được trong hơi thở, người đó là tịnh trú, người đó là phạm trú, người đó là Như Lai trú”.

“Khí tụ đan điền” làm phát sinh nội lực - đó là nguyên lý của nội công trong võ học từ xưa đến nay. Nhờ tập luyện khí công theo đúng nguyên lý này mà nhiều người đã xuất hiện nội lực, cơ thể họ khỏe hơn, có thể đánh vỡ những vật cứng, chịu được lực tác động từ bên ngoài, thậm chí vật sắt nhọn đâm vào cũng không thủng. Tuy nhiên để đạt được sự thâm hậu của nội lực thì đòi hỏi cái phước, cái duyên và công phu lâu dài.

Đến nay có rất nhiều cách thở.
Cách thở của môn phái khí công, các võ phái là thở rõ, thở mạnh, còn cách thở của thiền là “biết hơi thở nhưng không điều khiển”, tức hơi thở dài ta biết hơi thở dài, hơi thở ngắn ta biết hơi thở ngắn, hơi thở vào ta biết hơi thở vào, hơi thở ra ta biết hơi thở ra. Có ý thức “biết” nhưng “không điều khiển” - đó là bước đầu của hơi thở trong thiền định mà Phật đã dạy.

Và theo kinh nghiệm thì một hơi thở tốt cho thân, cho tâm là hít vào êm nhẹ, giữ hơi thở lại vài giây rồi thở ra chầm chậm, mà thời gian thở ra thường dài gấp 5 lần thời gian hít vào (dĩ nhiên lúc nào cũng để ý ở vùng đan điền dưới bụng để cho khí tụ về dưới đó, ta gọi đó là tĩnh công). Nếu đạt được đến hơi thở này thì ta được hai điều lợi: một là tâm yên tĩnh, hai là nội lực bắt đầu xuất hiện.

Ban đầu ta phải theo đúng lời Phật dạy là biết hơi thở mà không điều khiển, biết toàn thân trong đó biết nhiều ở bụng, tức hơi “thiên vị” phần bụng để cho khí tụ tại đan điền. Và theo kinh nghiệm của nhiều người, ta thở nhẹ nhàng, đừng cố ý điều khiển, nhưng thở vào ít, êm, nhẹ, dừng một chút rồi thở ra chậm chậm. Làm sao cho thời gian thở ra dài gấp năm lần thời gian hít vào là lý tưởng. (Hít vào là dương, thở ra là âm, theo công thức của cha ông ta để lại là “năm âm một dương”).
Khi ấy ta sẽ thấy nội lực xuất hiện và tinh thần an ổn, ít vọng tưởng. Đó là cách thở trong đạo Phật.

Có nhiều mục tiêu để tập thở. Với những người luyện võ thuật hoặc luyện yoga thì mục tiêu chỉ là làm sao cho có sức khỏe, xuất hiện nội công mà thôi.
Nhưng đó là mục đích rất thấp, còn mục tiêu thật sự của hơi thở mà Phật dạy ta là “dùng hơi thở để nhiếp tâm thanh tịnh trong thiền định”, rồi từ cái tâm thanh tịnh đó mà tiến xa đi vào diệt trừ bản ngã, vô minh, đạt được sự giác ngộ cao thượng tuyệt đối.

Ngoài ra, hơi thở còn phản ánh nội tâm của con người. Ở gần một người và lắng nghe hơi thở của họ, ta có thể đoán biết được phần nào nội tâm của họ.
Ví dụ như ngồi gần một người nói chuyện vui vẻ mà ta nghe hơi thở của họ hơi nặng, hơi mạnh thì phải biết rằng tâm họ đang động, có thể họ đang nói dối ta hoặc đang mưu tính điều gì đó.
Nên nhớ, khi một người đang lén làm điều gì sai trái, đang giấu giếm điều gì hoặc đang mưu tính, mưu phản... thì tâm lý, tâm trạng, ý định này đều được phản ánh lên hơi thở.

Vì vậy, người giữ được hơi thở điềm đạm hư vô thường là người đi trong cái thiện, đi trong cái lành.
Còn hơi thở bất chợt rối loạn thì phải biết rằng trong tâm bất an và cũng thường là bất thiện.

Như thế, việc điều khiển hơi thở cũng có thể làm thay đổi tâm trạng của con người. Nên khi tu tập thiền định, nếu ta khéo điều khiển được hơi thở thì ta cũng thay đổi được tâm lý, tâm hồn, tâm trạng của mình. Đó là lý do mà Phật dạy ta phải an trú trong hơi thở là vậy.
Người càng định thì hơi thở càng nhỏ, càng êm, nhỏ dần, êm dần cho đến khi chứng tứ thiền hoặc diệt tận định thì hơi thở tắt luôn, đó là nguyên lý.

Chúng ta đã nói rằng con người được nuôi dưỡng bởi hai loại khí, một là khí trời và hai là luồng khí tâm linh (chân khí). Mà khí trời thì rất quý, vậy đừng ai làm bẩn bầu khí quý giá này:

“Đất trời không khí của chung
Xin đừng xả khói để cùng thở vui”

Mặt khác, ta còn có bổn phận trồng nhiều cây xanh, trồng rừng để giữ không khí sạch cho hành tinh, bên cạnh đó còn phải bảo vệ những dòng sông (do sự tiếp xúc giữa dòng nước và không khí cũng tạo nên luồng khí trong lành hay hôi thối, độc hại).

Nếu ta tu hơi thở đúng theo cách mà Đức Phật chỉ dạy thì chúng ta là đệ tử của Ngài. Đồng thời việc tích tụ nội lực bằng tập thở là cách hỗ trợ rất lớn cho việc nhiếp tâm vào định về sau.
Hiểu nguyên lý này rồi ta cứ bình thản mà tu tập hơi thở cho thiện nghệ, khi quen rồi thì tự nhiên hơi thở ra vào đều đặn và niệm khởi không còn.

Lại nữa, khi ta tu tập hơi thở trong thiền định để đi tìm sự giác ngộ giải thoát thì theo Sư phụ chúng ta hãy nhớ,mình nên làm một công đức là bảo vệ sự trong lành của bầu không khí chung bằng cách trồng nhiều cây xanh, giữ sạch những dòng sông, và ai cũng có những hành động đúng đắn để bảo vệ môi trường, hạn chế những vấn đề rác thải./.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!

Copyright 2014, Bản quyền thuộc Công ty TNHH Cộng Đồng Việt Thịnh Phát

Địa chỉ: Số 134 - 135 Đường Hùng Vương, TP. Phan Thiết, Bình Thuận
Điện thoại: 0913.17.1788 - Hotline: 0123.588.2588
Email: quocvietsnvbt@gmail.com
Website: everythingbinhthuan.com